Những cạm bẫy mà sinh viên nên hiểu rõ khi đi làm thêm
Những cạm bẫy mà sinh viên nên hiểu rõ khi đi làm thêm, 5, Vinh Quý, Công Việc Làm Sinh Viên
, 27/03/2018 09:42:17Sinh viên nên hiểu rõ một số điều luật lao động cơ bản để biết cách bảo vệ bản thân
Cạm bẫy khắt khe từ chủ lao động
Gần đây, cộng đồng mạng từng tranh luận khá gay gắt về trường hợp bạn nam sinh viên đi làm thêm 2 tháng, lương 1,2 triệu bị trừ xuống còn chưa nổi 300.000 đồng. Lương tháng 9 của bạn nam này chỉ được tính mức 40% so với lương chính thức. Dù đã bị phạt % lương tháng nhưng số tiền 1,2 triệu đồng của 27 buổi đi làm trong tháng 9 tiếp tục bị trừ vì đủ mọi lỗi như đi muộn, làm rơi đĩa đồ ăn...Điều đáng bàn là quán ăn này còn có quy định nhân đôi tiền phạt tính theo từng phút, nhân lũy tiền theo số lần tái phạm, tính chi li đến từng nghìn đồng. Kết cuộc, sau khi cộng các khoản trừ lương, nam sinh này chỉ nhận về vỏn vẹn 245.000 đồng.
Chưa bàn đúng sai thế nào, không kể đến thái độ làm việc yếu kém của bạn nam trong câu chuyện này, chỉ nhìn vào những khoản bắt lỗi và cách tính lương thử việc, nhiều người cũng cho rằng quán mì mà bạn nam làm việc có quá nhiều quy định phạt khắt khe.
Đây cũng không phải lần đầu, sinh viên lên mạng tố chủ lao động bắt lỗi chi li, phạt tiền hà khắc. Trước đó, một bạn nữ sinh cũng từng lên mạng tố siêu thị mình làm trừ lương vô lý, từ 1,4 triệu xuống còn chưa đầy 200.000 đồng.
Từ trên mạng đến đời thực, câu chuyện đi làm thêm và bị lừa gạt hoặc gặp phải môi trường quá sức khắt khe không còn là điều gì lạ lẫm đối với sinh viên.
Thùy Trang (sinh viên ĐH Nông nghiệp) chia sẻ, trước đây, cô từng đi làm thêm ở một cửa hàng bán quần áo và phải chịu đựng nhiều quy định khắt khe từ chủ cửa hàng. "Ví dụ tháng có 30 ngày mà bắt đi làm đủ, xin nghỉ phép rất khó khăn mà nếu nghỉ nhiều, khoảng 4-5 buổi/tháng thì dù có lý do vẫn bị cắt hết tiền thưởng, phụ cấp ăn trưa, còn nếu tự ý nghỉ dù chỉ một buổi thì bị cho nghỉ việc và không được thanh toán lương cả tháng".
Trang cảm thấy những quy định này là hết sức vô lý vì theo cô, cho dù nghỉ không phép là sai nhưng cũng không thể vì thế mà cho nghỉ hẳn và không thanh toán tiền lương cho nhân viên. "Vậy mà mình từng chứng kiến cô chủ đối xử như thế với mấy bạn rồi. Thế nên làm hết 1 tháng thử việc, mình vội vã xin nghỉ chỗ đó", Trang nói thêm.
Cùng chung nỗi bức xúc giống Trang, bạn Thanh (sinh viên năm nhất ĐH Điện lực) tâm sự: "Quán mình chỉ cần có khách hàng phản ánh về nhân viên, chưa cần biết đúng sai ra sao đã phạt 300.000 đồng. Mình thấy quy định đó rất vô lý vì không phải khách hàng nào cũng tốt".
Ngoài những chiêu phạt lương do đi muộn, tự ý nghỉ việc hoặc có khách hàng phản ánh, quán của Trang còn có rất nhiều quy định hà khắc. Ví dụ đi muộn một chút cũng bị trừ 50% ngày lương, xoong chảo, bát đĩa nếu còn dính bẩn hay bê đồ không nhiệt tình cũng bị phạt, trong giờ làm việc mà chủ thấy ngồi nghịch điện thoại hay làm việc riêng gì đó, dù chỉ chốc lát cũng bị phạt. "Điều này khiến mình cảm giác không khí làm việc rất nặng nề, lúc nào cũng đe búa phạt trên đầu. Đến nơi là hùng hục làm, lơ là một chút thì chỉ lo bị phạt", Thanh tâm sự.
Cùng chung những nỗi bức xúc như trên không ít bạn sinh viên cũng rơi vào trường hợp tương tự như trên các bạn chia sẻ như sau:
Bạn Vũ cho biết: "Sau giờ học mình nhận chuyển hàng cho một shop bán hàng thời trang. Chủ shop kêu mình đi giao hàng từ Quận 1 đến Quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, khi đến nơi khi đến nơi khách không nhận hàng nên mình đành quay lại và yêu cầu chủ shop thanh toán tiền công. Lúc này chủ shop có thái độ không hợp tác với lý do "hàng chưa bán được, không trả tiền". Đồng thời buông lời nhục mạ và còn đe dọa đánh mình".
Bạn Thu Ngọc, sinh viên năm 2 đang làm nhân viên tại một quán cà phê cho biết: "Lương sinh viên làm thêm rất ít, thường 12 - 13.000 đồng một giờ. Làm cả tuần, mỗi ngày 8 tiếng cũng chưa được 2 triệu đồng, nhưng mức phạt rất cao. Thỉnh thoảng, mình lỡ tay làm vỡ cái cốc, giá gốc khoảng 30.000 đồng, nhưng sẽ bị trừ 50.000 đồng. Quán đông, khách đứng lên mà chưa lau bàn ngay sẽ bị trừ 50.000 đồng, vài lần như thế là hết lương".
Anh Tùng, sinh viên năm thứ ba chia sẻ thêm: "Chỗ mình làm áp dụng quy tắc 20 giây. Nghĩa là đi làm chậm 20 giây, đồ ăn đưa ra chậm 20 giây, khách gọi không đến ngay sau 20 giây..., sẽ bị trừ 100.000 đồng. Lương mình 2,5 triệu đồng, nhiều tháng nhận tiền chỉ còn 1 triệu mà cười buồn".
Trong bất cứ trường hợp nào, phạt lương là vi phạm luật lao động. Dẫu biết rằng đi làm thêm, sinh viên cần tôn trọng quy định của chủ quán đề ra và hết lòng vì công việc, thế nhưng đã bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi, liệu chuyện trừ lương vô tội vạ, hở một chút là trừ lương từ phía chủ quán là đúng hay sai?
Trong những câu chuyện lan truyền trên mạng hay ngay cả ở đời thực, những tháng lương sinh viên cầm về chưa đủ 200.000-300.000 đồng là chuyện không hề hiếm gặp. Liệu chuyện bắt phạt như thế hay việc yêu cầu sinh viên làm đủ 30 ngày/tháng, tính lương thử việc ở 40-60% là đúng hay sai?
Chưa kể dù thuê sinh viên làm các công việc chân tay, thời vụ nhưng nhiều nơi vẫn bắt buộc họ phải thử việc tới 2-3 tháng để chỉ tính mức lương tối đa 85% lương chính thức, cách làm này liệu có phải là một sự lợi dụng sức lao động của sinh viên?
Luật sư Thanh cho rằng, khi đi làm thêm, sinh viên nên hiểu rõ một số điều luật lao động cơ bản để biết cách bảo vệ bản thân hoặc đơn giản hơn, họ sẽ tự có tiêu chí để biết cách chọn lựa nơi làm việc phù hợp.
Trước hết là về thời gian thử việc. Theo vị luật gia này, điều này được quy định tại điều 27, luật lao động. Theo đó, thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Nên tìm hiểu kỹ các nội dung và các điều khoản đền bù trước khi ký hợp đồng
Ngoài các trường hợp trên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.
Thứ hai là tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc. Điều này do người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Đây là quy định tại Điều 28 Bộ luật Lao động 2012.
Về thời gian nghỉ phép tối thiểu trong một tháng, theo Điều 110 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
Nói về cách kỷ luật người lao động, luật sư Thanh chia sẻ, có những hình thức xử lý kỷ luật lao động sau: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương quá 06 tháng; Cách chức; Sa thải. Như vậy là không có hình thức cắt lương, phạt tiền.
"Điều 128 nêu rõ những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động, trong đó có việc cấm dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động", ông Thanh nhấn mạnh. Theo luật sưThanh, nhiều khi người sử dụng lao động và người lao động bị nhầm lẫn giữa hình thức bồi thường và hình thức xử lý kỷ luật lao động. Có khi người lao động gây thiệt hại cho người sử dụng lao động, bị buộc phải bồi thường nhưng các bên lại cho rằng người lao động phải bị phạt tiền để đối trừ vào thiệt hại họ đã gây ra.
Về điều kiện để đưa ra quyết định sa thải, Điều 126 Bộ luật Lao động quy định về những trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải như sau:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;
3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Như vậy, tất cả các trường hợp nếu người lao động bị sa thải chỉ vì tự ý bỏ việc một buổi không lý do là không đúng quy định của Bộ luật Lao động.
Theo luật sư Thanh, có thể khi chủ lao động bắt phạt sinh viên thì bản thân các bạn ấy cũng là những người làm việc chưa tốt, thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, dù vì lý do nào đi chăng nữa thì các bên vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động. "Nếu các bên, cả người lao động lẫn người sử dụng lao động, cùng tôn trọng, hợp tác với nhau, thì luôn luôn là điều tốt nhất cho cả hai", ông Thanh nói thêm.
Bạn cần một cái đầu lạnh, đủ khôn ngoan để xử lý thông tin trong mọi tình huống
Các bạn sinh viên với những mong muốn trải nghiệm, kiếm tiền cháy bỏng là không sai, nhưng cần phải có một cái đầu lạnh, đủ khôn ngoan để xử lý thông tin trong mọi tình huống. Và các bạn phải tự trang bị lấy cho mình kiến thức, bản lĩnh nhất định để đối phó với mọi tình huống xảy ra. Chúc các bạn thành công!
Tham khảo internet
>> Xem thêm:
Kinh nghiệm làm thêm của sinh viên
8 lý do sinh viên nên đi làm thêm trước khi ra trường
Công việc làm thêm cho sinh viên lợi bất cập hại
Sinh viên có nên đi làm thêm ngoài giờ học hay không
Những cạm bẫy mà sinh viên nên hiểu rõ khi đi làm thêm Việc làm thêm sinh viên
Các bài viết liên quan đến Những cạm bẫy mà sinh viên nên hiểu rõ khi đi làm thêm, Việc làm thêm sinh viên
- 02/07/2018 Tìm thông tin hữu ích, tìm công việc sinh viên trên CongViecLamSinhVien.com thông qua kênh... 814
- 22/05/2018 Tâm sự của nữ sinh làm thêm ở sân golf 859
- 26/03/2018 Công việc làm thêm cho sinh viên lợi bất cập hại 790
- 26/03/2018 Sinh viên có nên đi làm thêm ngoài giờ học hay không 1005
- 26/03/2018 8 lý do sinh viên nên đi làm thêm trước khi ra trường 808
- 26/03/2018 Kinh nghiệm làm thêm của sinh viên 939